Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, cảm cúm là bệnh phổ biến và dễ dàng chữa khỏi được chỉ cần những biện pháp đơn giản hay thậm chí là tự khỏi. Tuy nhiên, chính vì suy nghĩ chủ quan ấy đã khiến cho tình trạng bệnh của bé trở nên nặng hơn, có lúc còn gây nên các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là liệt kê một số sai lầm hay mắc phải, tham khảo để biết bạn cần phải làm gì nhé!
1. Bệnh cảm cúm tự khỏi
Cảm cúm là một căn bệnh khá phổ biến. Đối với người trưởng thành, mỗi năm có thể mắc bệnh từ 2 đến 4 lần, còn trẻ nhỏ thì tần suất mắc bệnh có thể cao hơn. Những biểu hiện của cảm cúm thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt xì hơi, sốt, ho, đau nhức cơ thể.
Nhiều người chủ quan cho rằng đây là căn bệnh thông thường có thể tự khỏi nên không cần phải uống thuốc hay đưa trẻ đi khám. Tuy nhiên, theo như bác sĩ chia sẻ nếu như những triệu chứng cảm cúm kéo dài cần phải uống thuốc cũng như điều trị tích cực, nếu không nó có thể kéo theo những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.
Một trong số những vấn đề có thể xảy ra đó là tác động đến hệ tim mạch, gây nguy cơ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hô hấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang…
2. Uống nhiều thuốc kháng sinh
Ngoài những trường hợp không uống thuốc khi bị cảm cúm thì cũng có những người nghĩ rằng uống nhiều thuốc kháng sinh thì bệnh sẽ nhanh khỏi. Song, cảm cúm là bệnh do virus gây nên và theo như các bác sĩ thì khi mắc phải bệnh này thì không nên uống các loại thuốc kháng sinh.
Khi uống thuốc kháng sinh thì nó chỉ tiêu diệt hay kìm hãm một số vi khuẩn chứ không tiêu diệt được virus. Nếu cơ thể có biểu hiện nhiễm khuẩn thì mới sử dụng thuốc kháng sinh, và tất nhiên là cần phải đúng theo liều lượng mà các bác sĩ chỉ định. Vậy nên, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng thuốc kháng sinh để tránh tình trạng lãng phí, gây nguy cơ bệnh càng gia tăng hơn ở trẻ nhỏ.
3. Tự ý truyền nước
Một số người khi trẻ vừa bị cảm cúm đã nghĩ ngay đến việc truyền nước với hi vọng mau khỏi bệnh. Song, việc tự ý truyền mà không theo khám, xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ thì nó có thể dẫn đến mối đe dọa tính mạng cực kỳ lớn.
Truyền nước chỉ có tác dụng trong một vài trường hợp như bệnh nhân bị sốt, cơ thể bị mất nước. Tuy nhiên dù ở trường hợp nào đi chăng nữa thì cũng phải được sự theo dõi và quyết định của bác sĩ khám, điều trị, chọn loại dịch truyền nào cho phù hợp.
Việc tự ý truyền dịch bừa bãi, truyền quá liều, tốc độ quá nhanh sẽ rất dễ khiến cho cơ thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, sốc, phù não, rối loạn điện giải, sưng tim, nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối tượng là trẻ nhỏ. Lời khuyên của các bác sĩ đối với những trường hợp cảm cúm, cơ thể bị mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì có thể bù nước qua đường uống, như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều.
4. Xông hơi, xông nước lá càng nhiều càng tốt
Như đã nói ở trên, khi bị cảm cúm người bệnh sẽ có những biểu hiện như đau đầu, ngạt mũi, rát họng, đau họng…Và theo đông y thì đó là căn bệnh do cảm phong hàn, các lỗ chân lông bị bít lại gây tình trạng ách tắt. Trong trường hợp này, xông hơi hay xông lá sẽ có tác dụng làm giãn mạch, mở lỗ chân lông, thải độc và virus ra ngoài.
Song, khi chọn giải pháp này cũng cần phải lưu ý, dùng lá nấu nước xông không nên đun quá 15 phút vì tinh dầu bay hết. Trong quá trình xông người bệnh cũng nên thỏ chậm, sâu bởi nó có tác dụng chủ yếu qua đường hô hấp. Đối với trẻ nhỏ không nên áp dụng phương pháp điều trị này vì sẽ gây ra nhiều mối nguy hiểm khác. Tốt hơn hết là nên đưa chúng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu còn thắc mắc về vấn đề gì, liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn đầy đủ hơn.
Thùy Duyên